Cổng thông tin điện tử trường PTDTBTTH Mường Tỉnh

https://ptdtbtthmuongtinh.pgddienbiendong.edu.vn


Tết cổ truyền dân tộc Mông

Cứ mỗi năm, tháng 11 âm lịch về người Mông lại háo hức chờ đợi một mùa Tết.

       Nói đến tết chắc hẳn ai cũng háo hức không kém phần. Nỗi chờ đợi không chỉ con nít mà người lớn cũng mong đến tết để được điểm lại những công việc đã qua, được ngồi lại bên gia đình, người thân tâm sự trò chuyện với nhau cũng như cung lời chúc để sang năm mới làm ăn tiến tới hơn. Nhân dịp năm mới thầy trò Trường PTDTBT TH Mường Tỉnh đã tổ chức cho các em tìm hiểu về tết cổ truyền dân tộc Mông.

      Cứ mỗi năm, tháng 11 âm lịch về người Mông lại háo hức chờ đợi một mùa Tết. Tết của người Mông cũng giống người Kinh, công việc chuẩn bị của họ cho Tết vào trước ngày 30/11 âm lịch, sửa sang, thay mới ban thờ và làm bánh dầy (thay vì người Kinh làm bánh chưng).

       Người Mông ăn tết vào đêm 30 tháng 11 âm lịch nhưng ngày nay có nhiều chuyển biến nên Tết của người Mông cũng thay đổi, có nhiều bản ăn vào 30/12 âm lịch, cũng có nhiều bản khác lại ăn theo dịp Tết Nguyên đán. Nhưng phong tục thì không thay đổi. Tất cả mọi công việc phải xong xôi trước khi ăn tết. Thay mới bàn thờ, bàn thờ của dân tộc Mông độc đáo và mang đậm bản sắc, thể hiện nét độc đáo, giản dị. Ban thờ để chính giữa hướng đường, chỉ với một tờ giấy trắng tự làm ra, dán lên tường cùng các hình thù trang trí, biểu tượng cho sức khỏe.

      Lễ cúng tổ tiên gồm 1 con gà trống lông đỏ, khi khấn xong cắt tiết lấy ít lông cổ để dính vào bàn thờ. Mỗi lần thắp hương cúng tổ tiên dịp tết, người Mông đem bàn gỗ ra để các vật thờ lên trên đó, ngoài con gà, 2 chiếc bánh dầy và một ít hoa quả, họ còn thờ cái cuốc, xẻng, rìu, dao… (những vật dụng giúp họ trong sản xuất, săn bắn). Người Mông quan niệm những vật dụng đó cũng như con người, cũng phải để nó nghỉ, có vậy năm sau nó mới có sức khỏe để cày, bừa, giúp con người khỏi bị đói rét.

      Ngoài ra, người Mông còn thờ 2 bếp chính, thắp hương liên tục 3 hay 5 ngày liên tục trong ngày tết tùy vào mỗi dòng họ, để thần bếp giúp họ luôn giữ ngọn lửa, xua đuổi tà ma và thú dữ. Những vật dụng dùng để thờ thường là những thứ mà chính tay người Mông làm ra…. Trong dịp tết cổ truyền, người Mông luôn thờ ma nhà và những vật dụng giúp họ sinh sống, phát triển.

       Dịp tết không thể không kể đến các Lễ hội như Tù lu, nén pao, hội xuân,… Môn Tù lu dành riêng cho nam giới, cả người già đến giới con nít đều tham gia được, họ rao hò cả ngày không biết mỏi. Nén pao là hội vui của các thanh niên đang độ tuổi lấy vợ gả chồng, dịp nén pao tạo cơ hội hội tụ cho các cô gái, chàng trai tìm hiểu nhau và cũng từ đó nên vợ nên chồng. Hội tết là ngày Hội vui nhất của dân tộc Mông vì đây là ngày mà coi như cả năm được nghỉ ngơi vui chơi giải trí thỏa thích sau chuỗi ngày dòng dã vất vả.

       Song với hoạt động tìm hiểu về Tết truyền thống của người Mông thì thầy và trò Trường PTDTBT TH Mường Tỉnh đã tổ chức một số hoạt động như đẩy gậy, nén pao, nhảy múa cho học sinh. Làm cho các em thích thú đến trường các em được hiểu sâu hơn về truyền thống dân tộc Mông nói riêng.

       Nhân dịp này các em được lĩnh hội kiến thức về Tết dân tộc Mông, các em hiểu sâu hơn về bản sắc dân tộc Mông, trân trọng và lược bỏ những gì tốt đẹp và lạc hậu góp phần vào bản sắc văn hóa Việt Nam, làm cho đất nước ngày càng phát triển và phồn vinh./

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ TẾT CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC MÔNG
 


 


 


 



 


 













 

Tác giả bài viết: Sùng A Cá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây