Giờ ra chơi nay không còn là những khoảnh khắc “tự do phá phách” hay các trò chơi mang tính bạo lực. Thay vào đó là hình ảnh các em học sinh say mê hòa mình trong những bài múa xòe, thể dục giữa giờ, võ cổ truyền và đặc biệt là trò chơi nhảy dây. Dù thời tiết tháng 4 nắng nóng, các em vẫn tham gia một cách hào hứng, đầy nhiệt huyết, làm cho sân trường trở nên rộn rã, sinh động và thân thiện hơn bao giờ hết.
Điểm nổi bật của các hoạt động này là được tổ chức ngoài trời, tạo sự gắn bó giữa học sinh với thiên nhiên và môi trường xung quanh. Qua mỗi trò chơi, các em không chỉ được vui chơi mà còn học được cách hợp tác, rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường sức khỏe và sự dẻo dai.
Các hoạt động tập thể như nhảy dây, thể dục, múa hát giúp học sinh:
- Rèn luyện thể chất và sự khéo léo
- Phát triển tinh thần đoàn kết, tính hoà đồng
- Tạo nên thói quen sinh hoạt lành mạnh
- Hạn chế những hành vi tiêu cực trong giờ chơi
Bên cạnh đó, trò chơi dân gian còn góp phần bồi dưỡng tâm hồn, hình thành những đức tính tốt đẹp, và giúp các em sống hồn nhiên, tích cực hơn trong học tập và cuộc sống hằng ngày.
Để các hoạt động trở thành một phần thói quen của học sinh, không gì hiệu quả hơn việc lồng ghép thường xuyên vào chương trình học và giờ ra chơi. Tuy nhiên, khi tổ chức các trò chơi dân gian, nhà trường cần:
- Xem xét độ tuổi và thể trạng của học sinh
- Căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất
- Đảm bảo an toàn và không gây áp lực cho các em
- Tạo không khí thoải mái, vui vẻ, tự nhiên
Việc đưa trò chơi dân gian và các hoạt động thể dục, múa hát vào trường học là một giải pháp thiết thực trong việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Những tiếng cười giòn tan, những bước nhảy khỏe khoắn của học sinh là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của phong trào, góp phần tạo nên một môi trường học đường năng động, tích cực và đầy tính nhân văn.
Một số hình ảnh liên quan